Lưu ý cơ bản với môn học Đồ Họa 1 & Đồ họa cơ bản
Đồ họa 1 nói riêng và đồ họa nói chung là 1 trong những môn học nhận được sự theo dõi và tìm hiểu từ rất nhiều các bạn sinh viên trong các trường đại học kỹ thuật trên cả nước. Sau đây là 1 số kinh nghiệm của cá nhân, mong muốn phần nào giúp đỡ, giải đáp thắc mắc của quý bạn đọc khi tìm hiểu môn học này.
Đồ họa là môn học gì?
Nói đơn giản thì đồ họa là 1 môn học không đòi hỏi sự ghi chép nhiều hay tư duy logic như các môn khoa học Toán, Lý, Hóa, Đồ họa 1 & Đồ họa cơ bản sẽ thiên về vẽ tay kết hợp thêm tư duy hình, khối trong không gian.
Tuy nhiên sẽ có một số bạn đọc đến đây sẽ thắc mắc: ” không có hoa tay thì liệu có học được môn này không?” xin trả lời là “Vẫn hoàn toàn bình thường”, cá nhân nhận thấy có bạn 7,8 thậm chí 10 hoa tay vẫn trượt môn này bình thường, môn học này cũng cần những yếu tố tiên quyết của bất cứ môn học nào, đó là chăm chỉ và sự kiên trì, không phụ thuộc ở hoa tay của bạn là bao nhiêu.
Đối tượng môn học
Khi tiếp cận với môn học này, thường thì đều là các bạn sinh viên năm 2, năm 3 và một số ít các bạn năm 4, năm 5 đến từ các ngành như Hóa học, Dệt-May….sẽ tìm hiểu ở mức độ không chuyên sâu và học môn Đồ họa cơ bản, nhóm ngành Cơ khí & Cơ khí-Động lực sẽ đi sâu hơn vào Đồ họa 2.
Nội dung môn học
Đối với Đồ họa 1 và Đồ họa cơ bản sẽ có nội dung gồm 2 phần lớn là:
- Hình Họa: Tìm hiểu và luyện tập về các phép chiếu, biểu diễn liên thuộc, giao giữa các mặt phẳng với nhau, giao giữa mặt phẳng và đường thẳng, biến đổi hình chiếu….
- Phần này sẽ chiếm khoảng 3 điểm ở nội dung thi giữa kì và sẽ không gặp lại ở thi cuối kì nên nhiều bạn sinh viên sẽ bỏ không làm phần này, mặc dù bí quyết của phần này không đòi hỏi phải tưởng tượng, chỉ cần nắm rõ các lý thuyết được học và áp dụng là xong, tuy nhiên lý thuyết phần này cũng là 1 trở ngại vì nó có 6 chương và rất dài đòi hỏi sự chủ động ngay từ đầu, rất đáng tiếc nếu các bạn bỏ qua phần này.
- Vẽ Kỹ Thuật: Tìm hiểu và luyện tập về Hình chiếu trục đo, Hình chiếu đứng, chiếu bằng, chiếu cạnh và các tiêu chuẩn, các hướng chiếu, các loại hình cắt, mặt cắt…
- Phần này sẽ chiếm tối tối đa số điểm trong bài thi cuối kỳ, khi học phần này khuyến khích các bạn có tư duy tưởng tượng khối, hình trong không gian, nếu không tưởng tượng tốt cũng không đáng lo, bạn cần luyện tập thật nhiều để có thể theo kịp môn học.
Những lưu ý và lỗi sai
- Khi học bất cứ môn nào và kể cả môn học này, cần thực sự nghiêm túc và luôn bám sát lộ trình bài học, tránh học một cách dồn nén, không hiệu quả.
- Khi luyện tập cho bài thi giữa kì và cuối kì, cần có 1 mục tiêu và chiến lược rõ ràng, ví dụ mục tiêu 9 điểm cho giữa kì , như vậy từ cấu trúc đề thi, sẽ chia thời gian cho từng phần và luyện tập với khung thời gian đó, tránh ngồi làm một bài không định lượng thời gian.
- Một câu nói vui hay truyền miệng: ” Nếu cho thời gian 2 đến 3 tiếng thì chắc ai cũng vẽ xong bài” yếu tố kiên quyết là tốc độ, vì đi thi thời gian sẽ bị giới hạn, để luyện tập được tốc độ chúng ta cần luyện tập thật nhiều, và khi đã nhớ các dạng giao, các nét giao thì đi thi xử lý trực tiếp trên hình chứ không phải mất công ngồi nhớ lại xem phần đó là giao gì, là nét gì nữa.
- Khi mới luyện tập cho phần chiếu trục đo thì nên vẽ các khối lớn trước rồi sau đó vẽ chi tiết từ trên trên xuống dưới và từ trước ra sau tại sao lại vẽ như vậy, vì sẽ tối thiểu hóa được các nét bị che khuất của vật thể => tiết kiệm được thời gian.
- Khi học môn học này, cá nhân nhận thấy có nhiều người học tới lần thứ 2, lần thứ 3, thậm chí lần 4, lần 5 nhưng vẫn loay hoay ở phần vẽ trục đo cho bài thi cuối kì với 1 lý do là không tưởng tưởng được hình và cứ thế 1 vòng lặp trượt => học lại, vì vậy ngay từ đầu yếu tố mục tiêu và chiến lược rất quan trọng, không ít người có mục tiêu và chiến lược như việc tập trung hoàn toàn vào hình cắt cạnh bán phần để qua môn học một cách tự tin và chắc chắn nhất.
- Không thể nhắc đến là lỗi đọc số liệu hình khi vẽ, ngay cả cá nhân nhiều lúc không nghĩ sao mình có thể “hoa mắt” như vậy, một cái trụ bán kính 25 lại đọc thành 20 và khi vẽ gần xong thì nhận ra thế là đi toi cả bài nhưng đây là nhận ra trong lúc vẽ, còn có sơ hội sửa đổi lại được chút ít, có nhiều người thậm chí vẽ xong xuôi bài thi rồi vẫn không nhận ra và đến khi nhận được kết quả điểm thi thấp, và đi phúc khảo mới nhận ra mình đọc số liệu sai, rất đáng tiếc. Để khắc phục lỗi này thì khi đọc số liệu nên gióng thước đo xem có chuẩn không là an toàn nhất, và kết hợp cả compa và thước 1 cách linh hoạt tránh chỉ dùng 1 cách.
- Một lỗi cũng hay gặp: Đó là vẽ hình trục đo bị đè nên hình chiếu khác hoặc thiếu giấy chờm ra ngoài, để khắc phục lỗi này thì có nhiều cách, có người chọn cách bỏ ra khoảng 3 phút để vẽ 1 khối hộp chữ nhật bao quát hết tổng thể của hình, có người căn chỉnh áng chừng được dựa trên kinh nghiệm vẽ hình… còn dùng cách nào thì do bạn đọc cảm thấy mình phù hợp theo cách đó.
Từ những kinh nghiệm, quan điểm, góc nhìn của cá nhân, chúc quý bạn đọc sẽ tiếp cận dễ dàng hơn, và có những chiến lược, mục tiêu cụ thể cho môn học Đồ họa 1 & Đồ họa cơ bản, một số nhóm ngành đi sâu học môn học Đồ họa 2 có thể theo dõi tại đây. Xin trân thành cảm ơn và ADP chúc quý bạn đọc thành công.
Tag:Đồ họa 1