Quy trình thiết kế chế tạo một chiếc xe như thế nào?
Một câu hỏi lớn khủng khiếp. Đại khái muốn làm một chiếc xe thì người ta sẽ qua những bước sau .
1) Điều tra thị trường :
Phải tìm hiểu tất cả các nhu cầu mà người tiêu dùng mong muốn có ở một chiếc xe . Nhân viên tiếp thị của các công ty sẽ làm những bản điều tra ý kiến của người tiêu dùng trong phạm vi một địa phương , một nước , và cả thế giới . Ví dụ người Việt nam thích màu đỏ, thích nổi bật , đầu óc hướng ngoại ,đường xá nhiều ổ gà, xứ nóng , một chiếc xe là một giấc mơ của các cậu choai choai v.v… nếu mà chế chiếc xe màu trắng , quá đơn điệu không màu mè cầu kỳ, hệ thống giảm xốc không chịu nổi đường xá đầy ổ voi , gắn máy sưởi , cái tên nghe không kêu như “Dream” v.v.. thì bán chắc không ai mua.
Ngược lại người Nhật thích hướng nội , không thích sặc sỡ , xứ lạnh v.v.. nếu đem chiếc xe màu mè sặc sỡ sản xuất dành cho người Việt nam mà bán ở Nhật thì chắc không ai mua . Do đó điều nghiên thị trường rất quan trọng nếu muốn bán xe chạy . Tất cả các thông tin khách hàng cần sẽ được tổng hợp thành một DATABASE dành cho các nhà thiết kế . Chuyên viên thiết kế sẽ theo các yêu cầu đặt ra mà thiết kế chiếc xe .
Sản phẩm của Japan đưa vô thị trường nào bán cũng chạy hết là cũng nhờ một phần họ đã điều tra kỹ lưỡng nhu cầu và tập quán văn hóa của người tiêu dùng v.v.. của thị trường đó.
2) Sau khi điều tra xong thì các nhà thiết kế sẽ dùng Database đó để thiết kế .
Bước đầu là các nhà design sẽ vẽ phác thảo bằng tay . Kế đến là các chuyên viên CAD Design sẽ dùng bản vẻ tay đó để scan vào CAD và vẽ lại hình dáng chiếc xe 3D .
HONDA , TOYOTA dùng CATIA để thiết kế, ISUZU, GMC dùng UG để thiết kế, NISSAN dùng I-DEAS để thiết kế, sau khi qua những lần kiểm thảo thì sẽ bắt đầu bắt tay vào thiết kế thô, thiết kế thử nghiệm. Quá trình này đòi hỏi các chuyên viên về khí động lực học, lưu thủy lực học, động cơ, vật liệu , design , cơ cấu học. Muốn làm điều này thì em phải biết cả CAD,CAM, CAE, CIMM , kiến thức cơ khí, vật liệu và kiến thức về công nghệ ô tô v.v…
Sau khi quá trình thiết kế trên máy computer xong thì sẽ bắt tay vào thiết kế mẫu bằng “clay”, quá trình này gọi là “mock up”. Sau nhiều lần thử nghiệm khí động lực học trên mô hình đất sét xong thì sẽ bắt đầu chế mẫu thử. Bên động cơ thì sẽ nghiên cứu loại động cơ tương ứng chịu được cho mẫu xe đó . Quá trình làm mẫu thử rất mất thời gian khoảng vài năm.
Sau nhiều lần thực nghiệm trên mẫu thử xong , nếu không có vấn đề thì bắt đầu chế mẫu thật. Và bắt đầu thực nghiệm chạy thật. Tùy theo mẫu xe, có chiếc phải thực nghiệm chạy thật khoảng vài năm để lấy thông số an toàn cũng như các thông số phá hủy . Sau khi các thông số phá hủy kiểm tra được toàn bộ thì sẽ bắt đầu thay đổi thiết kế cho tối ưu trước khi bắt đầu chế tạo hàng loạt.
- Toàn bộ quá trình thiết kế từ lúc trên bản vẽ tay cho đến lúc chiếc xe thật ra đời khoảng 10 năm với hàng ngàn kỹ sư tham gia, không những chỉ các chuyên viên của hãng lớn mà đòi hỏi phải huy động toàn bộ kỹ thuật của các công ty vệ tinh. Một mẫu xe ra đời tốn vài trăm triệu USD tiền nghiên cứu
- Đó là cách làm của Nhật và các nước lớn về công nghiệp xe hơi. Cách làm của Trung quốc thì nhàn hạ hơn cứ việc lấy cái mẫu của người ta làm sẵn copy lại và chế gần giống rồi gắn tên của mình vào ( chế gần giống thôi vì đi sâu vào kỹ thuật cao thì chế không giống được).
- Còn cách của Việt nam mình thì khỏi cần làm , khỏi cần copy luôn, kêu người ta đem hết máy móc vô , người ta làm hết, mình chỉ bỏ sức lao động giá rẻ của con em thôi xong rồi vênh mặt lên tự mãn gọi là đã nâng cao tỷ lệ nội địa hóa chuẩn bị quá độ từ thời kỳ không có công nghệ sang thời kỳ xuất khẩu xe ra nước ngoài đặt mục tiêu vài năm chơi chơi thôi, hoặc lấy của người ta làm sẵn về ráp lại, đóng mạc cho có vẻ của ngoại quốc rồi bán.
Trong 3 cách , bạn chọn cách nào.?!
Ts Võ Huy Thành, Honda Motor Japan
Tag:Thiết Kế